Khi xây dựng một hệ thống lớn dành cho các tổ chức, công ty thì việc thiết kế, phát triển và quản lý được một giải pháp kiến trúc để vận hành là một công việc đòi hỏi những kỹ năng chuyên môn cao. Vì thế mà vị trí Solution ArchitectKiến trúc sư giải pháp thường được đảm nhiệm bởi các kỹ sư có nhiều năm kinh nghiệm cùng với những hiểu biết sâu sắc về các công nghệ liên quan. Bài viết hôm nay chúng ta cùng nhau tìm hiểu về Solution Architect là gìnhững kỹ năng cần có của một Solution Architect nhé.

Khi một tổ chức, công ty hay doanh nghiệp đối mặt với nhu cầu chuyển đổi các quy trình và hệ thống để có thể đáp ứng được các yêu cầu kinh doanh mới; họ sẽ cần tìm ra được một danh sách các hoạt động cần phải làm theo trình tự từ thiết kế, mô tả, triển khai đến vận hành và quản lý; nó được gọi là một kiến trúc giải pháp – Solution Architecture. Và để đưa ra được giải pháp phù hợp với tình hình của doanh nghiệp và đáp ứng được yêu cầu của thị trường; chúng ta cần một người được gọi với vai trò là Solution Architect.

Kiến trúc sư giải pháp – Solution Architect là người chịu trách nhiệm dẫn dắt thực hành và đưa ra tầm nhìn kỹ thuật tổng thể cho một giải pháp cụ thể. 

Gần đây chúng ta rất thường nghe từ khóa “chuyển đổi số”, và để một tổ chức, doanh nghiệp thực hiện được việc chuyển đổi số thì luôn cần những giải pháp kiến trúc đồng bộ bao gồm cả các quy trình về vận hành, kinh doanh kết hợp với công nghệ. Ngoài ra có thể kể đến một số ví dụ khác khi nhắc đến kiến trúc sư giải pháp như việc phát triển cơ sở hạ tầng cloud cho doanh nghiệp, triển khai các microservices cho thương mại điện tử hay áp dụng các biện pháp bảo mật cho dữ liệu, hệ thống, an ninh mạng.

Công việc của một Solution Architect

Công việc của một kiến trúc sư giải pháp tập trung vào các quyết định về giải pháp và phân tích tác động của chúng đối với các mục tiêu và kết quả kinh doanh tổng thể; hay nói cách khác Solution Architect sẽ phải tập hợp các giải pháp công nghệ và đưa ra chiến lược để thực hiện chúng.

Cụ thể chi tiết công việc bao gồm:

  • Tham gia vào quá trình phân tích nghiệp vụ để định hướng, đề xuất về giải pháp áp dụng hoặc gợi ý điều chỉnh nghiệp vụ giúp tăng tính khả thi của phần mềm
  • Đưa ra các giải pháp kiến trúc đáp ứng nhu cầu của khách hàng, yêu cầu của dự án về mặt chức năng (functional) và phi chức năng (non-functional)
  • Phân tích, đánh giá các giải pháp, ghi nhận các ý kiến đánh giá giải pháp từ các bên liên quan; sau đó lựa chọn giải pháp phù hợp, tối ưu nhất
  • Truyền đạt, giải thích và tài liệu hóa chi tiết về giải pháp, kiến trúc đã lựa chọn và chuẩn bị xây dựng cho các bên liên quan, nhất là team phát triển
  • Tạo prototype cho giải pháp; tham gia trực tiếp vào quá trình phát triển, coding phần core, xử lý khó và phức tạp nếu cần. Sau đó chuyển giao lại cho team phát triển để thực hiện giai đoạn tiếp theo của dự án
  • Hỗ trợ quản lý dự án về mặt công nghệ, kiểm soát quá trình triển khai giải pháp và xử lý phát sinh nếu có.

Tham khảo thêm các vị trí tuyển dụng Solution Architect lương cao tại Topdev

Những kỹ năng cần có của một Solution Architect

Kiến trúc sư giải pháp là một vị trí đòi hỏi nhiều kỹ năng liên quan đến kỹ thuật, sự hiểu biết về mặt công nghệ cũng như phải thường xuyên cập nhật các xu hướng công nghệ mới. Ngoài ra, kinh nghiệm và sự thấu hiểu về doanh nghiệp, mô hình kinh doanh liên quan đến giải pháp kiến trúc sắp tới cũng là một yếu tố quan trọng. Cùng liệt kê các kỹ năng quan trọng nhất của một Solution Architect (SA) nhé:

  • Kỹ năng giao tiếp: SA là vị trí có vai trò trung tâm, thường xuyên phải giao tiếp và giúp các bên liên quan hiểu được, hiểu đúng giải pháp cần triển khai; vì thế giao tiếp là một kỹ năng không thể thiếu của SA.
  • Kỹ năng quản lý dự án và nguồn lực: mặc dù không tham gia trực tiếp vào quá trình phát triển dự án, SA vẫn cần đảm bảo rằng các nguồn lực của dự án được sử dụng một cách có hiệu quả theo từng giai đoạn triển khai.
  • Kỹ năng phân tích chuyên sâu: một giải pháp kiến trúc có ảnh hưởng đến cả phần mềm, phần cứng với nhiều chi tiết nhỏ hoạt động cùng nhau. SA phải là người ghi nhớ tất cả các chi tiết của dự án và phân tích chuyên sâu để thực hiện một cách chính xác nhất.
  • Kỹ năng nhận dạng và phân tích rủi ro: các rủi ro luôn luôn tồn tại trong quá trình phát triển hay triển khai của dự án; công việc của SA đòi hỏi nhận dạng, phân tích được chúng ta đưa ra được các biện pháp phòng ngừa.
  • Kỹ năng công nghệ: Đây là kỹ năng cơ bản, thiết yếu nhất của SA; thông thường một kỹ sư công nghệ có hiểu biết về cả phần mềm và phần cứng với kinh nghiệm làm việc từ 8-10 năm trong ngành thì bắt đầu đảm nhiệm được vị trí của một SA.

Cùng với việc trang bị các kỹ năng trên, để trở thành một Solution Architect được công nhận bởi khách hàng và các tổ chức; kiến trúc sư giải pháp cũng nên trang bị một số các chứng chỉ quan trọng của nghề như:

  • AWS Certified Solutions Architect
  • The Open Group Certified Architect (Open CA)
  • Google Professional Cloud Architect

Kết bài

Như vậy chúng ta vừa cùng nhau tìm hiểu về vị trí Solution Architect, một người có vai trò quan trọng quyết định lớn đến sự phát triển của dự án nói riêng và các hoạt động trong tổ chức, doanh nghiệp nói chung. Đây là một vị trí có trách nhiệm lớn cùng việc đòi hỏi nhiều kỹ năng liên quan đến công nghệ, cũng vì thế là vị trí mà nhiều anh em IT hướng tới trong sự nghiệp. Hy vọng bài viết hữu ích dành cho bạn, hẹn gặp lại trong các bài viết tiếp theo của mình.

Tác giả: Phạm Minh Khoa

Xem thêm:

  • Software Architecture – Tìm hiểu Layers Pattern
  • 10 điều mọi nhà phát triển ứng dụng Android nên biết về kiến trúc Architecture
  • Trở thành Solution Architect có khó không?

Xem thêm Việc làm Developer hấp dẫn trên TopDev